Một chút tử tế : nhẫn nại

04.08.2010 18:54

 

 

Xem hình

 

Đứng trước những khó khăn của cuộc sống dù lớn dù nhỏ, chúng ta thường khi mất nhẫn nại. Trong nhiều tình huống, sự nhẫn nại là một sức mạnh giúp chúng ta sống tốt hơn. Nhưng nhẫn nại cũng có những giới hạn của nó mà vượt qua những giới hạn đó thì nó lại trở thành sự yếu đuối, sự dửng dưng, sự từ chối vô bổ. Chúng ta có nên cho những người nhẫn nại là nhu nhược không ? Có lẽ không nên. Vì có thể nó là một sự yếu đuối, nhưng ......

 

 

Một chút tử tế : nhẫn nại
Người chậm giận thì hơn trang hào kiệt,
người tự chủ hơn kẻ chiếm được thành.
Cn 16, 32


Đứng trước những khó khăn của cuộc sống dù lớn dù nhỏ, chúng ta thường khi mất nhẫn nại. Trong nhiều tình huống, sự nhẫn nại là một sức mạnh giúp chúng ta sống tốt hơn. Nhưng nhẫn nại cũng có những giới hạn của nó mà vượt qua những giới hạn đó thì nó lại trở thành sự yếu đuối, sự dửng dưng, sự từ chối vô bổ. Chúng ta có nên cho những người nhẫn nại là nhu nhược không ? Có lẽ không nên. Vì có thể nó là một sự yếu đuối, nhưng nó là một tính tốt cho chúng ta sức mạnh tuyệt vời, nhất là trong những lúc khó khăn.


Sự nhẫn nại không phải tự dưng mà có.
Tính nhẫn nại không phải tự nhiên mà có ; một đứa bé tự nhiên là không nhẫn nại, nóng vội. Cái gì cũng muốn và muốn có liền. Người mẹ phải rất kiên trì, khéo léo để dạy cho nó chấp nhận sự chờ đợi để được cái mà nó muốn. Tuy là người lớn, nhưng chúng ta suy nghĩ lại xem, chúng ta cũng còn mãi dấu vết đó không ít thì nhiều được che giấu đi vì tập luyện, vì nhân đức hay vì một lý do nào khác nữa.


Chúng ta hãy cùng nhìn lại, khi phải đứng xếp hàng dài ngất ngưỡng lúc đang cần phải làm một công việc gì gấp, không dễ gì chúng ta giữ được sự nhẫn nại, không càm ràm. Khi đồng hồ đã chỉ 8g30 và buổi họp được mời bắt đầu là 8g00, nhưng vẫn còn một vài người chưa đến, chúng ta có tiếng to tiếng nhỏ không ? Điều đó cho thấy rằng, để nhẫn nại, chúng ta cần phải làm một cố gắng, có thể một cố gắng rất lớn.


Những học sinh trường La San đều rất quen với từ tiếng Pháp « piquet », nó có nghĩa là cái cọc, nhưng cũng có nghĩa là bị phạt, đứng yên một chỗ, quay mặt vào tường. Học sinh nào lộn xộn, đầu tiên là bị « piquet ». Sau đó mới bị « xét xử ». Hiếm khi ông Thầy đánh, phạt ngay tức thì. Sau nầy tôi mới hiểu lý do, đó là các sư huynh áp dụng đúng sư phạm của Gioan La San rằng : « không bao giờ phạt học sinh trong lúc nóng giận » và khi đã bình tĩnh rồi thì học sinh đó không còn nhận một hình phạt quá nặng đối với lỗi mà em đó đáng chịu. Trong chương trình « Tư duy tích cực » mà tôi hân hạnh được tham dự cách nay 10 năm do bà Trish hướng dẫn. Người ta đề cập đến vấn đề nhẫn nại và được thu tóm qua 3 ký tự : S - O –S. (Stand – Observe – Steer) : (dừng lại – quan sát – điều khiển). Đứng trước một nghịch ý, chúng ta hãy dừng lại, quan sát-suy nghĩ, và sau đó chúng ta sẽ có một lối giải quyết vấn đề chính xác. Hoặc trước một việc xảy ra ngoài ý muốn nhưng nếu chúng ta nói được từ « KHOAN », thì chúng ta sẽ có thời gian đủ để tìm được một cách giải quyết vấn đề tốt nhất, sẽ có được câu trả lời phù hợp nhất.


Sống nhẫn nại trong một thế giới xô bồ.
Sống trong một thế giới mà lúc nào cũng “như ma đuổi”, thì chắc chắn dần dà chúng ta sẽ không quen chờ đợi, sẽ quên đi triết lý sống cần thiết cho trái chín mùi. Một sự nhẫn nại cần thiết cho các bậc làm cha mẹ, các nhà giáo dục. « Đức tính Kiên Nhẫn giúp giáo viên vượt thắng những điều xấu trong đời sống, nhất là trong việc giáo dục người trẻ. Kiên nhẫn xoa dịu nỗi đau và làm êm dịu tâm trí, phá bỏ sự buồn phiền, lo âu, chán nản, và ngăn cản lời nói cay đắng và nhận xét thù hằn. Những điều ngược lại với kiên nhẫn là tẩy chay học sinh bằng lời nói tục tằn, đối xử thô bạo, hành xử bạo lực, đánh đập, và sửa phạt bất công » (12 Đức tính của nhà giáo dục tốt).
Nhẫn nại cũng có những yếu đuối của nó


Nhẫn nại là một sức mạnh có sức « dời núi ». Nhưng ở một mức độ nào đó, nó có thể biến thành một yếu tố « ù lì ». Ví dụ như chúng ta đang ở trong tình trạng « bế tắc », nhưng cứ ngồi đó mà chờ « cơ hội thuận lợi » để có thể phát triển. Sự nhẫn nại đó có phải là một sức mạnh để chấp nhận tất cả những thiệt thòi cho cá nhân và tập thể không ? Kinh nghiệm cho thấy sự nhẫn nại đó không mang lại một sự phát triển nào. Nhưng ngược lại, nó còn ngăn cản bước tiến. Trong trường hợp nầy, sự mất nhẫn nại và sự « lì lợm » lại trở nên cần thiết để làm sống lại, thức tỉnh tính ù lì, thúc đẩy cái đã ngủ yên từ rất lâu. Đó chính là thực hiện điều mà ngài Alvaro đã nói : « Khi cửa ra vào đóng lại thì mình mở cửa sổ mà đi ».


Sử dụng tốt nhẫn nại và nóng vội.
Không có chút ít nhẫn nại thì cuộc sống nầy thật không chịu nỗi và chúng ta chẳng có được điều gì là quan trọng. Nhưng để sự nhẫn nại thực sự là một sức mạnh thì nó phải được bảo trợ bằng một niềm hy vọng, một niềm tin vào lời hứa có được một tương lai tốt đẹp hơn. Và chính Thiên Chúa là Đấng đã nêu gương cho chúng ta : « Đức Chúa ! Đức Chúa ! Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa với muôn thế hệ, chịu đựng lỗi lầm… » (Xh 34, 6 ; Ds 14, 18…). Nếu không có một chân trời, một lòng tin và không có một giới hạn thì sự nhẫn nại đó được coi như là sự cam chịu và chờ đợi vô ích. Nếu không có gì thể hiện mà không cần đến thời gian thì cũng không có gì trở thành hiện thực nếu không có quyết tâm và hành động. Nhẫn nại và nóng vội chỉ có hại khi nào nó đi quá trớn, khi nhẫn nại đi đôi với thụ động và nóng vội đi đôi với bạo lực và hám lợi quá trớn. Tình thật mà nói, nhẫn nại hay nóng vội cũng có khía cạnh tốt của chúng. Nhẫn nại giúp chúng ta không lùi bước trước những khó khăn, nóng vội thúc đẩy chúng ta bảo vệ mình trước những tình huống nguy hại đến chúng ta.


Nhật nhật Tân, fsc